Ô Ăn Quan - O An Quan Offline GAME
Bàn chơi Ô ăn quan ô làng kẻ trên một mặt bằng tương đối phẳng có kích thước linh hoạt miễn là có thể chia ra đủ số ô cần thiết để chứa quân đồng thời không quá lớn để thuận tiện cho việc di chuyển quân, vì thế có thể được tạo ra trên nền đất, vỉa hè, trên miếng gỗ phẳng.... Bàn chơi được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật, kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan.
Quân chơi gồm hai loại quan và dân, được làm hoặc thu thập từ nhiều chất liệu có hình thể ổn định, kích thước vừa phải để người chơi có thể cầm, nắm nhiều quân bằng một bàn tay khi chơi. Quan có kích thước lớn hơn dân đáng kể cho dễ phân biệt với nhau. Quân chơi có thể là những viên sỏi, gạch, đá, hạt của một số loại quả... hoặc được sản xuất công nghiệp từ vật liệu cứng mà phổ biến là nhựa. Số lượng quan luôn là 2 còn dân có số lượng tùy theo luật chơi nhưng phổ biến nhất là 50.
Quan được đặt trong hai ô hình bán nguyệt hoặc cánh cung, mỗi ô một quân, dân được bố trí vào các ô vuông với số quân đều nhau, mỗi ô 5 dân. Trường hợp không muốn hoặc không thể tìm kiếm được quan phù hợp thì có thể thay quan bằng cách đặt số lượng dân quy đổi vào ô quan. Tùy theo luật chơi từng địa phương hoặc thỏa thuận giữa hai người chơi nhưng phổ biến là 1 quan được quy đổi bằng 10 dân hoặc 5 dân (cờ).
Trò chơi thường gồm hai người chơi, mỗi người ngồi ở phía ngoài cạnh dài hơn của hình chữ nhật và những ô vuông bên nào thuộc quyền kiểm soát của người chơi ngồi bên đó.
Trò chơi có một số biến thể sau: Số dân ở mỗi ô vuông là 10 và/hoặc ở ô quan ngoài quan còn có thêm 20 hay 30 dân.. Khi đến lượt đi người chơi có thể tính toán phương án đi của mình trong một thời gian hợp lý hoặc phải đi ngay mà không được tính toán.
Ô ăn quan cho nhiều hơn 2 người chơi
Ô ăn quan cũng có thể được chơi với 3 hoặc 4 người chơi trong đó cách di chuyển quân, thể thức tính điểm cũng giống như khi chơi hai người nhưng bàn chơi được thiết kế khác đi cho phù hợp.
Bàn chơi cho 3 người: có hình tam giác đều với 3 ô quan ở 3 đỉnh của tam giác, ở mỗi cạnh kẻ 5 ô vuông để làm ô dân. Người chơi ngồi ở phía cạnh tam giác có các ô dân thuộc quyền kiểm soát của mình.
Bàn chơi cho 4 người: có hình vuông với 4 ô quan ở 4 góc vuông, các ô dân hình vuông kẻ ở 4 cạnh, mỗi cạnh 5 ô. Người chơi ngồi ở phía cạnh hình vuông có những ô dân thuộc quyền kiểm soát của mình.
Bàn chơi cho 3 người : Ô bên phải người chơi chính là ô quan của người đó., Thứ tự người chơi đi theo chiều kim đồng hồ.
Ô ăn quan thú vị, dễ chơi đã từng là trò chơi hàng ngày của trẻ em Việt Nam. Chỉ với một khoảng sân nho nhỏ và những viên sỏi, gạch, đá là các em nhỏ đã có thể vui chơi. Dấu ấn của Ô ăn quan ô làng trong đời sống và văn hóa: Thành ngữ: Một đập ăn quan - hàm ý chỉ những hành động đơn giản nhưng tức thì đạt kết quả to lớn. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có bức tranh lụa nổi tiếng Chơi Ô ăn quan